Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Tản mạn sự học

Tôi luôn thấy những điểm tốt đẹp và đáng học hỏi ở người khác, cho dù họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và thậm chí là người có những khuyết tật hạn chế so với mọi người.

Ở lớp học hiện giờ của tôi có một bạn người Ý, bạn mắc bệnh bạch tạng theo tên gọi ở bên VN mình, vì thế mắt bạn ấy cũng bị ảnh hưởng, nhìn cái gì cũng kém và phải có dụng cụ hỗ trợ mỗi khi nhìn lên bảng. Cái ống nhòm của bạn giống như một cái kính viễn vọng kết hợp với kính lúp vậy. Mỗi lần ngồi đằng sau bạn, thấy bạn nheo mắt bên này nhìn lên, rồi nheo mắt bên kia, rồi lại vội vàng cúi xuống ghi ghi chép chép, tôi nghĩ chắc bạn rất mỏi mắt và khó theo kịp bài. Mỗi lần ra chơi thấy bạn cúi gằm mặt xuống để check thông tin trên điện thoại, và khi nhìn vào màn hình điện thoại của bạn, tôi thấy chế độ cài cỡ chữ ở chế độ max, tôi lại thấy rất thương. 

Nhưng bạn lại là người thân thiện và nghị lực nhất trong lớp mà tôi từng biết, thân thiện đến mức mà hôm đầu tiên vào lớp, tôi lơ ngơ chẳng biết ai với ai, mà bạn ngồi đằng sau tôi mỉm cười, làm cho tôi cũng được trấn an rất nhiều. Đến buổi học thứ hai thì tôi đã biết tên bạn thông qua những câu hỏi làm quen. Bạn có làn da trắng, tóc trắng, và mắt tất nhiên không có màu nâu trầm thông thường của người dân Ý, mọi tính từ “trắng" vượt quá mức độ quy định ở đây làm cho vẻ bề ngoài của bạn khác thường, ai gặp sẽ nhận ra một điều gì đó bất thường ở bạn. Thế nhưng, bạn gần như là người duy nhất nói tiếng Anh trôi chảy trong lớp. Có những người, thậm chí khi được hỏi tên còn mắc không biết trả lời sao, cho dù khoá học là dạy bằng tiếng Anh?!? Trong lớp thực hành, bạn rất chuyên tâm lập trình trên excel (Và tất nhiên chữ trên màn hình máy tính cũng luôn đặt ở chế độ size lớn); ở lớp lý thuyết, bạn cố gắng ghi lại mọi thông tin trên vở của mình, sau đó cứ khi nào có dịp thì lại hỏi tôi: “bạn có gặp vấn đề gì trong bài giảng không... bạn có hiểu giải thích của thầy không”...và nếu tôi trả lời rằng thầy giải thích bằng tiếng Ý nên tôi không hiểu lắm, thì bạn lại nhiệt tình đưa vở của bạn cho tôi xem và giải thích lại... Sau mỗi giờ giải lao, cùng bạn đến căn-tin hay đi về, tôi đều thấy có những người chào bạn và gọi bạn ấy với sự trìu mến và tự hào, kể cả sinh viên và các giáo sư giảng dạy ở đây. Tôi nghĩ bạn bè, thầy cô và gia đình bạn phải tự hào về bạn lắm. Cũng như tôi luôn cảm thấy rất khâm phục bạn vậy. Mỗi lần thấy mình uể oải, thấy mình có nhiều phức tạp rắc rối, rồi đến lớp thấy thái độ cần mẫn của bạn, tôi đều tự nhủ bản thân: “họ khó khăn hơn mình mà còn vượt qua được, tại sao mình lại không thể?” rồi thì mọi chuyện lại trở nên nhẹ nhàng hơn.

Trong lớp học của tôi, có một bạn sinh viên quốc tế khác đến từ Scotland, bạn trầm tính, rất ít nói, có vẻ lơ đãng và khó hoà đồng (về cơ bản, người dân phía Bắc Âu thường khó gần và ít nói). Thời gian đầu, tôi là đứa sinh viên quốc tế duy nhất trong lớp toàn sinh viên Ý này, sau 1 tuần thì thấy có thêm một bạn nữa, là bạn ấy; và tôi chính là người hồ hởi chủ động bắt chuyện (vì cảm thấy bớt “đơn độc”). Tính cách này của tôi (tính hoà đồng và chủ động tạo cuộc đối thoại) chắc là tôi được học từ một người mà tôi  rất thương và rất kính trọng, tôi sẽ kể (lể) ở đoạn sau. Bạn gần như là người chậm nhất và trầm nhất, giờ ra chơi bạn không bắt chuyện với ai, và nếu tôi không bắt chuyện với bạn chắc bạn ấy cũng chẳng bao giờ nói chuyện với tôi. Từ đó trở đi, mỗi lần đến lớp, thấy tôi ngồi đâu là bạn lại chọn chỗ ngồi gần tôi. Tôi phải cố gắng giúp bạn ấy mở rộng mối quan hệ bạn bè bằng cách mỗi lần có party hay hội họp hay chơi trò chơi gì là lại kéo đi, giới thiệu để bạn ấy kết thêm bạn bè. Nhiều khi tôi còn cảm thấy “bó tay" vì bạn ấy thậm chí còn chẳng tới chào tôi khi tôi đang mải nói chuyện với người lạ mặc dù tôi đã vẫy tay (thở dài). Thế nhưng, tôi lại học được và trân trọng ở bạn rất nhiều điều. Bạn rất tốt, cực tốt ấy. 
Tốt đến mức mà sau khi tôi có một bài học “kinh tế" đắt giá về việc mua vé tàu điện ngầm để đến thị trấn mua sách (chuyện này chắc sẽ được liệt kê vào tuyển tập “những kinh nghiệm xương máu” sau này của mình), lượt bắt tàu về, khi tôi chuẩn bị nhét tiền xu vào mua vé thì bạn cũng lôi ra 1 đồng và bảo sẽ muốn share vé tàu với tôi (bạn ấy có thẻ riêng không cần mua vé trực tiếp như tôi), tôi trợn mắt giữ tay lại bảo “ô, vé của tôi thì để tôi mua chứ, sao lại “dưa góp ở đây"”, thì bạn bảo vì bạn cảm thấy tệ cho chuyện mua vé ở ga trước của tôi nên muốn giúp tôi một ít cho đỡ “đau lòng" bạn í. Trời ạ, tôi là tôi tốt tính, chứ bạn ấy sống như thế mà gặp người lợi dụng thì tôi không tưởng tượng nổi bạn ấy sẽ ra sao. Bạn rất ít nói, nhưng khi tôi có chuyện tâm sự, bạn lại chia sẻ và nói rất nhiều để khiến tâm trạng của tôi tốt hơn. Ở bạn ấy, tôi thấy có một sự “nice" đến tinh khiết như pha lê, điều mà tôi và những người khác (tôi hy vọng) chắc sẽ không dám phá vỡ khối pha lê đó. Mặc dù bạn cũng có nhiều điều hạn chế, nhưng tôi luôn cảm thấy mình phải trân trọng những tính cách tốt đẹp ở bạn.

Và giờ thì tôi tản mạn một chút về anh trai tôi. Anh tôi mắc bệnh não từ nhỏ, nên không được đến trường, vì chẳng giống người bình thường. Anh rất hồ hởi, quý khách và luôn cười hỏi vô tư (cũng một phần vì bộ não của anh bị ảnh hưởng, nên cư xử như đứa trẻ lên ba suốt hơn hai chục năm nay). Tôi không muốn nói về gia đình, về anh nhiều vì biết cũng chẳng ai hiểu được hoàn cảnh và lan man chỉ tổ đau đầu người khác. Nhưng vì chiều nay  chat skype với gia đình, trong đó được anh trai yêu quý ngó đầu vào màn hình chào em Hằng, “phán” xong một câu “anh cũng nhớ em Hằng lắm" rồi lững thững đi ra để cho “hội nghị" tiếp tục cuộc họp...nên thành ra tự dưng muốn nhắc đến trong note này (viết đến đây lại thấy nhớ ông anh trai rất nhiều). Điều mà tôi muốn nói đến ở anh đó là lòng hiếu khách và rất hay cười. Gặp ai đến nhà, anh cũng chào và lôi bằng được vào nhà uống nước “chè" (đồ uống khoái khẩu của anh). Thế nên bạn bè tôi ai quen rồi không sao, chứ ai không biết, lại thấy sợ vì thái độ vồ vập, hồ hởi đó. NHƯNG, có một điều khiến anh rất tức giận đó là có ai đó nói anh “thằng dở", ngu, dốt (hoặc đại loại là thế) và “thằng khèo" (anh bị dị tật một cánh tay phải do di chứng viêm não năm 2 tuổi). Anh không cho phép ai gọi anh bằng những cái tên đó, kể cả bố mẹ tôi. Vâng, một người IQ không được bằng người bình thường, nhưng EQ chưa chắc đã thua kém người bình thường, còn có lòng tự trọng cao như thế, tại sao người bình thường lại không có? Tôi nghĩ, chỉ là vì chúng ta là những diễn viên chuyên nghiệp, giỏi che dấu sự tức giận khi bị người khác hạ thấp bản thân mà thôi. Chứ không ai lại hài lòng với sự coi thường mình cả.

Đối với tôi, tôi luôn phản đối lối giáo dục mắng chửi và lăng mạ. Nếu mắng học sinh, sinh viên của mình dốt hoặc ngu, thì lỗi do người dạy, chứ không phải do họ. Mức độ tiếp thu của mỗi người khác nhau, mức độ sống cũng khác nhau, ngoài ra còn nhiều tác động khác. Cái quan trọng là truyền được cho họ sự đam mê, khuyến khích họ vượt qua chính mình (chứ không phải vượt qua em sinh viên có IQ cao nhất lớp). Phục những người có ý chí, cố gắng khắc phục hoàn cảnh vươn lên, chứ không phục những ai có sẵn thông minh mà lại đi đánh giá thấp người khác, vì điều đó có nghĩa là họ thông minh nhưng chưa đủ “thông cảm"...

P.S./. Tản mạn trong những đêm khó ngủ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm xúc của bạn là gì?...

Bài đăng nổi bật

Con đến với Cha Mẹ vì lý do gì

 Hôm nay tôi viết về Sự tỉnh thức mà Con trẻ đã đem đến cho Cuộc đời. Khi chưa có con, hay lúc đã mang trong mình hình hài nhỏ bé, cha mẹ nà...