Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Nguồn động lực từ những cuộc nói chuyện với người có chí hướng!

Mình rất thích trò chuyện với những người "đặc biệt". Họ có thể đặc biệt về ngoại hình, về tính cách, về suy nghĩ. Nhưng đều chung một đặc điểm là quyết đoán, sáng tạo và luôn có động lực để thực hiện những điều mà số đông không dám làm. Sau bữa trưa ngày hôm nay, từ một quán cafe trong khuôn viên trường đại học Sydney, mình trò chuyện hỏi thăm những người mà mình thấy họ đều có những hoài bão còn dang dở đang thực hiện, và thấy mình khâm phục biết bao nhiêu. Thực ra gọi là ghen tỵ cũng đúng.

Một người đồng nghiệp đã chuyển quán cafe và mua một địa điểm gần bãi biển Cát Bà để làm homestay cho khách du lịch Tây ở.

Một người bạn thân, kiến trúc sư, khác tuổi tác (chênh nhau 4 tuổi vẫn gọi tớ cậu) đang vi vu xuyên Việt bằng xe máy từ Tây Bắc tới tận phía nam của đất Việt. Bạn đã trải qua 13 ngày trên chuyến hành trình đó, và vẫn còn đủng đỉnh vi vu cho tới khoảng 1 tuần nữa mới tới địa điểm mà bạn sẽ lập nghiệp tại đó. Cầu chúc cho bạn thượng lộ bình an, và luôn tận hưởng những trải nghiệm tươi đẹp nhất trên hành trình đó.

Sau đó, mình lại được trò chuyện với người dì khuyết tật đôi chân, đang học một khóa học thời trang cao cấp trong Sài Gòn. Được Dì chia sẻ những trải nghiệm của dì khi ghé thăm các khu làm nghề túi xách, vẽ họa tiết lên vải như thế nào, và chia sẻ những kế hoạch ấp ủ của dì về việc phát triển kinh doanh sau khi học xong và trở lại với cửa hàng thời trang hiện tại của Dì.

Được nghe những câu chuyện, được nghe điều chia sẻ của những người có nhiều hoài bão, và đang thực hiện những giấc mơ ấy, khiến mình thấy bồn chồn và hứng khởi. Có những sự việc đã từng là ước mơ của mình (Ví dụ như xuyên Việt) và mình đã thôi không còn mơ nữa. Thế nhưng, những người bạn ấy đang trên con đường thực hiện giấc mơ của chính họ - trong khi mình đang ở một nơi xa, rất xa... cố gắng hoàn thành một khóa học chuyên ngành rồi trở về nước. Tự dưng, thấy mình đang bị ràng buộc nhiều thứ, hơn là tự do để làm những điều rồ dại. Thấy chút tiếc nuối, và chút xấu hổ với bản thân.

Vậy nhưng, cảm giác tiêu cực đó cũng không diễn ra quá lâu. Nhìn đi nhìn lại, mình cảm thấy may mắn vì có những người bạn tích cực và có nhiều nguồn động lực xung quanh mình. Và mình cũng cảm thấy bản thân cũng đã nỗ lực rất nhiều một ngày trước kia, theo một cách cũng rất "đặc biệt". Những điều hiện mình đang có (mà mình nghĩ rằng là trách nhiệm) thực chất ra là những thành quả mà mình đón nhận được (có một gia đình nho nhỏ ấm áp <3 ). Thành quả ấy cũng ngọt ngào lắm chứ! Có điều, khi bản thân mình - một người thích có những thử thách lớn - mà đang ổn định hơi lâu một chút - thì nó bắt đầu cuồng chân và muốn bay nhảy một lần nữa. Tuy nhiên, theo một tiêu đề cuốn sách mà mình đã đọc "không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách", mình tin sẽ vượt qua những thử thách hiện tại, để đón chào những thử thách lớn hơn khác sau khi về Việt Nam, để thực hiện những ước mơ, dự định của mình.

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

Bình yên ơi!

Mỗi ngày thức giấc, trước khi ngồi vào bàn làm việc, hay trong những lúc nghỉ ngơi xem tin tức thời sự... bạn đều lên mạng internet tìm hiểu những thông tin xã hội hiện nay. Những thông tin tốt đẹp thì không thấy đâu, nhưng bạn thấy rất nhiều những tin tức giật gân, thông tin cấp báo, tin tiêu cực về tham nhũng hay đối tượng đe dọa đòi nợ tiền...
Khi ngày nào cũng như ngày nào, công việc của bạn chỉ đơn thuần là nghiên cứu một đề tài, và không liên quan nhiều lắm đến ngoài kia. Nhưng khi để những thông tin ngoài kia làm bạn mệt mỏi, và chán chường... thì bạn nên cân nhắc lại.

Những vụ việc tự tử gần đây trên thế giới đã đau lòng không kém, mặc dù họ là những người thành đạt, người không có một lý do gì để tự tử. Ngoài nguyên nhân muôn thủa là trầm cảm, thì những thông tin xã hội mà họ tiếp cận hàng ngày cũng dần dần làm mài mòn ý chí muốn sống của họ. "Thế giới này quả là hỗn tạp, xấu xí, không có lý do gì để mình ở thêm đây nữa" - có lẽ họ nghĩ vậy.

Bản thân mình cũng nhiều lúc mệt mỏi với truyền thông, với các thông tin được chia sẻ từ người này người kia, và những lời bình luận của các thông tin đó. Đã tự nhủ rằng sẽ phải điều chỉnh lại việc nên nghe gì, đọc gì, thay vì đọc những tin ngắn, giật gân nhưng hằn sâu mãi trong đầu đến những hôm sau... Nhưng điều đó lại cần một sự thay đổi đáng kể về thói quen. Có nhận thức rồi, hẳn sẽ có cách thức để làm, miễn sao mình để bình yên quay trở lại với cuộc sống của mình. Để bản thân luôn cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống, và nhìn thế giới với con mắt đầy màu sắc và tò mò.

Thế giới quanh ta vẫn còn đẹp lắm, còn nhiều nơi để khám phá, và con người khắp nơi cũng sống chan hòa, tốt tính lắm. Mình nên tận dụng một cuộc đời để đi đây đi đó, tập trung làm việc có ích và sống tối đa cuộc sống của một đời người. Thay đổi bản thân mình - thay đổi thế giới quan bên trong mình - là sẽ thay đổi được rất nhiều điều kiện sống, hoàn cảnh sống của bản thân mình. Mình tin điều đó luôn luôn đúng trong bất kỳ bối cảnh nào.

_Sydney, 14 tháng 6 năm 2018_

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Mùa vải


Nếu hỏi loại quả gì gắn liền với tuổi thơ của mình thì đó là quả Vải và Bưởi. Bưởi là một câu chuyện khác. Còn quả vải thì cứ đợt vào trưa hè nắng nóng mà đi học về đến nhà, quẳng cái cặp ra một bên rồi chạy ra vườn chén một tùm vải no nê, rồi mới về nhà ăn cơm trưa bình thường. Trưa dọn dẹp bát đĩa xong lại trốn ngủ trưa ra vườn trèo gốc vải bẻ vải ăn ngon lành. Hè năm nào cũng vậy, mà cái dạ dày nó cũng co giãn tốt, nên ăn nhiều vải thế mà ăn cơm vẫn ngon lành, không mụn nhọt hay mẩn ngứa gì hết. 



Cứ mùa vải đến là mấy chị em hồi hộp chờ đợi từ lúc quả còn xanh. Nghe lời mẹ, không dám ăn quả nào cho đến khi nó chín, sáng nào cũng chạy ra mấy gốc vải xem có quả nào rụng không, chỉ dám động đến quả rụng chứ không vặt trên cây. Đến khi nó chín thì ăn đã đời, đến nỗi cái miệng cũng khôn hơn hẳn. Cả vườn nhà có chục cây vải mà biết được cây nào thì quả ngon hơn và ngọt kiểu gì. Có cây vải lai, không ngon bằng vải thiều và lúc chưa chín hẳn còn chua chua, mà lại còn ở cuối vườn. Không thèm động đến, cho đến khi các cây vải kia bán hết thì mới ăn. 

Mùa vải cũng là mùa mà mấy chị em được thỏa thuê trèo bẻ hái quả bán. Lái thương đến nhà, cả nhà hô hào mặc quần áo dài tay để bẻ vải. Vậy mà cũng bị vài con bọ-xít xả axit rát cả cánh tay hoặc gáy. 
Năm nào mình cũng sang nhà ông bà ngoại bẻ vải giúp ông bà. Cây vải nhà ông ngoại to và cao như cây cha cây mẹ của mấy cây trong vườn nhà mình vậy. Mỗi mùa vải bán xong, ông ngoại đến từng nhà thăm con cháu, chia mỗi cháu ít tiền. Mình nhớ năm còn lớp 1 hay lớp 3 gì đó, được ông cho mỗi đứa tờ 5000 vnđ xanh lét, mà cảm giác giá trị lớn như tờ 500.000 vnđ như bây giờ vậy. Ông ngoại bao giờ cũng rất điềm đạm và hiền từ, không thủ thỉ thân mật với các cháu như bà ngoại, nhưng lúc nào cũng thương con cháu. 

Mùa vải chín, cũng là mùa gặt, mùa phơi rơm rạ và thóc, là mùa bắt đầu của nghỉ hè. Giữa trưa hè, hai chị em thay phiên nhau cày thóc, thi thoảng tự thưởng bằng việc ngồi đung đưa chân dưới cầu ao dưới gốc dừa nước mát rượi được che bởi giàn mướp, nhâm nhi từng quả vải ngon lành.


Lại đến một mùa vải nữa, nhưng thèm đến mấy mà chẳng được ăn. Ông ngoại cũng đã xa con cháu, bà ngoại thì ngày một yếu hơn. Vườn nhà xung quanh cũng chỉ trồng rau, lác đác một vài cây vải trong vườn. Thế nhưng mỗi mùa vải lại thấy nhớ đến những kỷ niệm xưa da diết.
Sau này con cháu mình nó thèm, thì chạy ra siêu thị mua, hoặc mua ngoài chợ- hàng rong, chắc chẳng bao giờ có một kỷ niệm gì gắn liền với một vài loại quả nào đó như người quê mình.




Sydney, 2/6/2018.

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Rốt cuộc, đời người có lúc nào vui?

Mấy ngày nay thế nào mà lại nghĩ luẩn quẩn về cuộc đời một con người, mà cụ thể hơn là cuộc đời làm cha làm mẹ - như bố mẹ mình.
Lúc con còn nhỏ thì chăm bẵm, nuôi nấng mong một ngày chúng nó lớn khôn, đủ lông đủ cánh rồi bay đi - thế rồi những tưởng nó lập gia đình rồi công việc xong là hai cái thân già có thể nhàn hạ mà an dưỡng tuổi già. Thế nhưng đời lại có những oái oăm. Không thằng con đem theo cục nợ vài trăm triệu về... thì đứa con gái xách vali quần áo với đứa con thơ về ngoại vì không chịu nổi nhà chồng.
Những lúc như thế, bố mẹ nào chẳng giang tay chào đón, ông bà nào lại nỡ lòng nào nhìn cháu bé tội nghiệp mà không cưu mang cả hai mẹ con. Thế nhưng, đêm thì nằm vắt tay lên chán và suy nghĩ, thở dài. Ông thở dài đằng ông, bà thở dài đằng bà. Chẳng ai bảo ai, nhưng đều hiểu nỗi trăn trở của nhau.
Thế đấy, tưởng được an phận, cuối cùng vẫn phải trả cái đống nợ cho mấy đứa trẻ lớn xác mà chưa khôn.

Bài đăng nổi bật

Con đến với Cha Mẹ vì lý do gì

 Hôm nay tôi viết về Sự tỉnh thức mà Con trẻ đã đem đến cho Cuộc đời. Khi chưa có con, hay lúc đã mang trong mình hình hài nhỏ bé, cha mẹ nà...