Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Những sai lầm khi nói về đọc sách

Là một người thích nhìn chữ từ bé. Hồi nhỏ gia đình không có điều kiện, cứ sang nhà ai thấy sách, báo, giấy tờ gì có chữ là cầm lên đọc. Khi lớn lên, tôi cũng vẫn có thói quen đọc sách.
Rất nhiều người cho rằng việc đọc sách là trừu tượng và khó hiểu hoặc không thực tế, chỉ dành cho những kẻ mơ hồ…
Thực ra thì, tôi là người rất thực tế. Nhưng khi nào cần, tâm hồn tôi cũng hoá mộng mơ.

Sau đây là một số đánh giá sai lầm thường gặp khi nhắc đến việc đọc sách.

1. Sách chỉ là lý thuyết, mà đã đọc là phải áp dụng.
Từ từ đã nào, các bạn có thấy mỗi khi phân loại các hoạt động Giải trí, ngoài Phim và Ca nhạc ra, thì còn có việc Đọc sách không? Như vậy có nghĩa là, đọc sách là một hoạt động giải trí thuần tuý. Còn việc đọc để áp dụng vào đời sống, và chuyên môn thì tuỳ sở thích từng người.

2. Sách dành cho những người chỉ biết phân tích, không hành động. Ít thành công.
Các bạn có nhận thấy rằng hầu hết những người vĩ nhân, hoặc những người thành đạt đều có lời khuyên số một cho các bạn trẻ là Đọc sách không? Ngoài ra, họ cũng có thói quen đọc sách, và luôn trân trọng tủ sách, giá sách trong nhà hoặc phòng làm việc.
Nhiều người thành công là nhờ sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Mà tất cả những điều đó đều được thấm dần qua những tháng ngày đọc sách. Càng những người xuất chúng, càng thích đọc những cuốn sách hoặc truyện có tính kích thích tưởng tượng và độ trừu tượng cao.

3. Đã đọc thì đọc sách nào cũng tốt.
Cái này các bạn nên cân nhắc. Đúng là nên đọc sách có lĩnh vực rộng từ thơ ca, cho đến khoa học, nhưng không đồng nghĩa với việc sách nào cũng hợp với bạn hoặc tốt cho bạn. Bạn nên đọc những cuốn mà bạn cảm thấy thích và phù hợp. Điển hình là tôi, sau khi tôi từ Ý về nước, tâm trạng đang có nhiều xáo trộn, đồng thời tôi chưa ổn định mọi việc tại thời điểm đó, sách và quần áo tôi bị mất gần hết ở sân bay, tôi ở cùng phòng một người bạn, và thường xuyên mượn đọc sách trên giá của người bạn ấy. Sau một thời gian tôi vẫn hay stress và tâm tính thất thường, thậm chí bị trầm cảm. Về sau tôi mới phát hiện ra là vì mình hay đọc những cuốn sách và truyện viết về những tâm tư u buồn, không lối thoát và luẩn quẩn, những cuốn sách Nhật Bản viết về việc đi tìm bản ngã mà đọc xong đều khiến người đọc càng không hiểu chính mình hơn. Từ đó tôi từ bỏ việc đọc sách của người bạn ấy và tự đến hiệu sách chọn cho mình những cuốn sách mình yêu thích hoặc làm rạng rỡ cuộc sống của mình.

4. Đọc sách là phải giữ gìn, nâng niu.
Nói thật, tôi là người cẩu thả, nên đồ vật gì đã qua tay tôi thì không có chuyện còn mới tinh. Sách mua về là để đọc, để ngẫm, để chiêm nghiệm, chứ để cho vào tủ kính thì … thôi, khỏi mua cho phí tiền. Vậy nên, khi đọc sách, hãy tìm cho mình một tư thế, vị trí đọc thoải mái và làm thế nào để cho vào đầu nội dung trong sách chứ không phải là hình thức nhẹ nhàng nâng niu giữ gìn khỏi nhăn khỏi nhàu sách. Miễn là đừng làm rách và rời rạc lung tung thứ tự của các trang sách là được các bạn à. 


Có nhiều lần bạn trai tôi (giờ đã là người dưng) hỏi rằng: sao lúc nào rảnh cũng thấy em đọc sách?
Và tôi, duy nhất một lần sau bao lần hỏi, đã trả lời: Có thể một ngày nào đó anh sẽ rời xa em, nhưng sách thì không.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm xúc của bạn là gì?...

Bài đăng nổi bật

Con đến với Cha Mẹ vì lý do gì

 Hôm nay tôi viết về Sự tỉnh thức mà Con trẻ đã đem đến cho Cuộc đời. Khi chưa có con, hay lúc đã mang trong mình hình hài nhỏ bé, cha mẹ nà...